Ngày 26/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa bị cáo Phạm Thanh Tùng (cựu Chủ tịch Công ty chứng khoán Trí Việt) và hai cựu nhân viên Đỗ Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Mạnh Thìn ra xét xử về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Thu lời chục tỉ nhờ cho vay để thao túng thị trường

Để có tiền “thổi giá” cổ phiếu, Đỗ Thành Nhân bàn bạc, thống nhất với Đỗ Đức Nam sẽ vay tiền của Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt. Do Phạm Thanh Tùng là người quyết định có phê duyệt cho vay hay không, bị can Nam báo cáo với bị can Tùng.

Khi báo cáo, Đỗ Đức Nam nói rõ BII và TGG là những mã cổ phiếu có thanh khoản thấp, không được nhà đầu tư quan tâm giao dịch, hay còn gọi là cổ phiếu rác. Nếu Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt “bơm tiền” cho Đỗ Thành Nhân thâu tóm rồi tạo cung cầu giả, giá cổ phiếu sẽ tăng cao, thu hút được nhà đầu tư.

Bị can Nam còn nói nếu cho vay tiền thì cả 2 công ty do bị can Tùng làm Chủ tịch HĐQT đều được hưởng lợi. Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt thì thu lãi cho vay, còn Công ty CP chứng khoán Trí Việt thì thu phí giao dịch mua bán.

Thấy có lợi, Phạm Thanh Tùng đồng ý đề xuất trên, giao Đỗ Đức Nam phê duyệt chính sách và giải quyết cho vay. Từ chỉ đạo này, Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt đã cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 748 tỉ đồng nhằm thực hiện kế hoạch thao túng cổ phiếu.

Và thực tế, trong 154 tỉ đồng thu lời bất chính, Đỗ Thành Nhân sử dụng hơn 14 tỉ đồng trả lãi vay cho Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt.

Ngoài ra, lợi dụng việc cho vay tiền, Đỗ Đức Nam yêu cầu và được Đỗ Thành Nhân chi lãi ngoài 500 triệu đồng. Bị can Nam còn đồng ý cho cấp dưới tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt quản lý nhóm khách hàng Đỗ Thành Nhân, từ đó thu phí bất hợp pháp hơn 1,6 tỉ đồng.

Vẫn theo hồ sơ vụ án, trong toàn bộ quá trình thực hiện, Đỗ Đức Nam đều báo cáo Phạm Thanh Tùng diễn tiến về việc cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền để mua bán, thao túng 2 mã cổ phiếu BII và TGG. Bị can Tùng cũng thường xuyên chỉ đạo sát sao về phê duyệt danh mục và tỷ lệ cho vay đối với các mã cổ phiếu, báo cáo giao dịch mua bán cổ phiếu hàng ngày, báo cáo danh sách tài khoản cho vay, tình hình và dư nợ cho vay…

Bị can Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP chứng khoán Trí Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt

Luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội

Quá trình điều tra, bị can Phạm Thanh Tùng bị đánh giá không thành khẩn khai báo, luôn tìm cách che giấu hành vi phạm tội.

Theo đó, khoảng tháng 8 và tháng 9.2021, khi báo chí đưa tin có dấu hiệu bất thường trong việc giao dịch 2 mã cổ phiếu BII và TGG, bị can chỉ đạo bộ phận maketing của công ty làm việc với báo chí để xử lý, đồng thời chỉ đạo Đỗ Đức Nam vẫn tiếp tục cho vay nhưng chia nhỏ các khoản vay để tránh bị phát hiện.

Đến cuối năm 2021, khi biết thông tin cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động của Công ty CP chứng khoán Trí Việt và Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt, Phạm Thanh Tùng chỉ đạo thay toàn bộ ổ cứng máy tính của công ty và xoá các tin nhắn có liên quan.

Bị can này thừa nhận Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay hơn 748 tỉ đồng để mua bán 2 mã cổ phiếu BII và TGG, qua đó thu hơn 14 tỉ đồng tiền lãi; nhưng phủ nhận việc biết và chỉ đạo cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền là để thao túng thị trường chứng khoán.

Để làm rõ tình tiết trên, cơ quan tố tụng cho Phạm Thanh Tùng và Đỗ Đức Nam đối chất. Kết quả, bị can Nam khai bị can Tùng biết rõ các hành vi thao túng của nhóm Đỗ Thành Nhân và là người chỉ đạo hoạt động cho vay đối với 2 mã cổ phiếu BII, TGG.

Đặc biệt, khi bị can Nam báo cáo dư nợ cho vay, bị can Tùng còn chỉ đạo rằng việc CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt cho vay hợp tác đầu tư là tế nhị nên sẽ bị soi nhiều, dòng cổ phiếu Louis đang phản cảm, cần đa dạng hóa, chia nhỏ dư nợ hợp tác để không bị nổi cộm.

Từ các chứng cứ thu thập được, Viện KSND tối cao khẳng định Phạm Thanh Tùng có vai trò, thẩm quyền quyết định cao nhất ở cả 2 pháp nhân là Công ty CP Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt và Công ty CP chứng khoán Trí Việt. Tất cả các hoạt động của công ty, bị can Nam phải báo cáo bị can Tùng biết để chỉ đạo, điều hành, định hướng giải quyết.

Trong đó, bị can Tùng biết rõ việc cho nhóm Đỗ Thành Nhân vay tiền để sử dụng mua bán, thao túng cổ phiếu mã BII và TGG; đồng thời chỉ đạo giải quyết cho vay tổng số tiền hơn 748 tỉ đồng.

Khung hình phạt cao nhất 7 năm tù

Ngoài 3 bị can đã nêu, 5 bị can còn lại gồm: Vũ Ngọc Long và Ngô Thục Vũ (cùng là nguyên Phó tổng giám đốc Công ty CP Louis Holdings), Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Công ty CP Louis Holdings), Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Công ty CP chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên ( nhân viên Công ty CP chứng khoán Trí Việt).

Cả 8 bị can đều bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán, theo khoản 2 điều 211 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.

Cùng tội danh, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố cũng truy tố các bị can là nhân viên Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt gồm Đỗ Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1986), Nguyễn Mạnh Thìn (sinh năm 1988).

Trước đó, ngày 12/5/2023, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt Phạm Thanh Tùng đã bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm về cùng tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Theo cáo trạng, Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý tài sản Trí Việt (mã cổ phiếu TVC) và Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã cổ phiếu TVB), chỉ đạo và quyết định mọi hoạt động đầu tư, giám sát hoạt động của Phòng đầu tư, trực tiếp phụ trách quản lý hoạt động đầu tư chứng khoán.

Trong thời gian từ ngày 2/1/2020 - 19/10/2020, Phạm Thanh Tùng đã chỉ đạo Nguyễn Mạnh Thìn và Đỗ Thị Hồng Hạnh thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thông qua việc sử dụng 109 tài khoản nội nhóm Trí Việt của 58 chủ tài khoản để giao dịch mua, bán chéo với nhau đối với mã cổ phiếu TVB, TVC để tạo cung, cầu giả gây thiệt hại/thua lỗ cho 31 nhà đầu tư số tiền hơn 3,3 tỷ đồng.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2020, để tạo tính thanh khoản của các mã cổ phiếu TVB và TVC, theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Tùng, Đỗ Thị Hồng Hạnh và Nguyễn Mạnh Thìn thực hiện thao túng cổ phiếu mã TVB và TVC bằng phương thức: Hướng dẫn các nhân viên của công ty TVB, TVC mở nhiều tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán khác nhau đứng tên các cá nhân là nhân viên, người thân nhân viên, bạn bè, người quen của Phạm Thanh Tùng, các công ty vệ tinh trong hệ sinh thái của Tập đoàn Trí Việt (gọi là tài khoản chứng khoán nội nhóm) rồi chuyển lại thông tin các tài khoản cùng mật khẩu lại cho phòng đầu tư quản lý.

Phạm Thanh Tùng cũng chỉ đạo Nguyễn Mạnh Thìn dùng các tài khoản nội nhóm liên tục đặt lệnh, khớp đối ứng đối với cổ phiếu TVB, TVC. Ngoài ra, bị can Thìn và Hạnh còn phải đặt lệnh mua bán, thỏa thuận cổ phiếu TVB, TVC cho nhóm nội bộ Trí Việt trong năm 2020.

Hàng ngày, khi phát sinh giao dịch khớp lệnh, Thìn thông báo danh sách, số lượng tiền cần nộp/chuyển vào từng tài khoản chứng khoán nội nhóm theo chỉ đạo của Tùng và nhờ các chủ tài khoản thực hiện nộp/rút/chuyển tiền vào các tài khoản chứng khoán trong nhóm ở các ngân hàng khác nhau hoặc lấy các séc đã được các chủ tài khoản nội nhóm ký sẵn để thực hiện giao dịch tiền.

Tùng chỉ đạo sử dụng các nguồn tiền từ: Công ty Quản lý tài sản Trí Việt, vay ký quỹ tại các công ty chứng khoán khác ngoài TVB và nguồn tiền quay vòng, luân chuyển giữa các tài khoản chứng khoán, ngân hàng của cá nhân trong nhóm nội bộ Trí Việt sau khi bán, mua các chứng khoán TVB, TVC để thực hiện việc mua/ bán cổ phiếu TVB, TVC giữa các tài khoản nội nhóm.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo từ bị can Tùng, bị can Thìn trực tiếp đi nộp/rút/chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Thìn, hoặc chỉ đạo nhân viên đi rút tiền từ tài khoản ngân hàng rồi nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán nội nhóm khác.

Tại Hà Nội, bị can Hạnh chỉ đạo các nhân viên phòng nguồn vốn, nhân viên phòng đầu tư Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt tới ngân hàng rút séc từ tài khoản ngân hàng của công ty và các cá nhân nội nhóm Trí Việt rồi nộp tiền vào các tài khoản chứng khoán nội nhóm chỉ định.

Hiện tại, Phạm Thanh Tùng đã nộp khắc phục số tiền 2,2 tỷ đồng.

Sau khi ông Phạm Thanh Tùng bị bắt, ngày 12/12, Chứng khoán Trí Việt thông báo, việc ông Tùng bị khởi tố là trách nhiệm cá nhân; sự việc trên không tác động hoặc làm thay đổi định hướng trong kinh doanh của công ty và "không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cổ đông, khách hàng đang có giao dịch".

Được biết, ông Tùng, 43 tuổi, giữ cương vị Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Trí Việt từ năm 2010 đến tháng 7/2022. Sau 5 tháng gián đoạn, ngày 5/12, ông trở lại vị trí Chủ tịch Chứng khoán Trí Việt. Ông còn là thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (TVC).

Sau khi ông Phạm Thanh Tùng, bị khởi tố về tội danh "thao túng chứng khoán", ngày 12/12, bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt đã thay mặt doanh nghiệp "gửi lời xin lỗi chân thành" đến các cổ đông, cán bộ công nhân viên, nhà đầu tư, khách hàng và đối tác, "vì những tổn hại không đáng có" liên quan đến những vụ việc có yếu tố pháp lý đã và đang xảy ra tại tập đoàn và Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (mã chứng khoán TVB).

Trước đó, ngày 9-12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Chứng khoán Trí Việt - về tội danh "thao túng chứng khoán".

Công ty cổ phần Tập đoàn quản lý tài sản Trí Việt khẳng định vụ việc trên không tác động hoặc không làm thay đổi các định hướng trong kinh doanh của công ty. Đồng thời không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của quý cổ đông, quý khách hàng đang có giao dịch, hợp tác với công ty.

Đồng thời, phía doanh nghiệp cũng đã có các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra ổn định theo đúng mục tiêu và kế hoạch của hội đồng quản trị và ban lãnh đạo đã đặt ra.

Được biết, ông Tùng, giữ chức chủ tịch nhiệm kỳ 2022 - 2024 của Chứng khoán Trí Việt vào đầu tháng này (2/12). Theo lời giới thiệu từ doanh nghiệp, ông Tùng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - chứng Khoán.

Cách đây hơn một tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 150 triệu đồng với Chứng khoán Trí Việt, do đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 4 cá nhân về tội “Thao túng thị trường chứng khoán" gồm Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.

Trong thời gian từ 4/1/2021 đến ngày 6/10/2021, Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land thông đồng với Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu của Công ty Cổ phần Louis Capital (mã TGG), Công ty Cổ phần Louis Land (mã BII) và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan; đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 4 cá nhân trên về tội “Thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.